Nghe nhạc và hát Karaoke là hai trong những phương thức giải trí sau một ngày mệt mỏi của nhiều người hiện nay. Chính vậy có rất nhiều người sử dụng cùng một mẫu loa cho cả hai hoạt động giải trí này mà không biết rằng loa nghe nhạc và loa Karaoke hoàn toàn khác nhau. Vậy loa nghe nhạc và loa hát Karaoke có gì khác nhau? Có thể sử dụng 1 dàn loa để đáp ứng 2 nhu cầu này không?
Mỗi thiết bị âm thanh đều có một chức năng riêng phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dùng.Trên thị trường hiện nay có rất nhiều dòng loa đa dạng. Nhiều người thường nhầm lẫn, loa nghe nhạc và loa Karaoke là một nhưng thực tế chúng lại có sự khác biệt khá lớn. Điểm chung duy nhất của loa nghe nhạc và loa Karaoke là thường sử dụng mô hình âm thành 2.1 hoặc 2.0. Song thực sự, 2 dòng sản phẩm này lại khác biệt rất rõ ràng ở từng chi tiết.
Để giúp mọi người có thể phân biệt rõ ràng hơn về sự khác nhau giữa loa Karaoke và loa nghe nhạc, chúng ta sẽ đi tìm hiểu từ khía cạnh cụ thể của hai dòng loa này.
Khác biệt 1: Về thiết bị phối ghép
Cách phân biệt đơn giản nhất đó chính là nhìn vào mô hình các thiết bị phối ghép với hai dòng loa này. Các thiết bị phối ghép với loa nghe nhạc thường đơn giản hơn nhiều so với loa Karaoke. Bởi trong một dàn Karaoke, sự phối ghép giữa loa và amply rất quan trọng, cần lưu ý đến nhiều vấn đề như: công suất, trở kháng, cách bố trí... Nếu bạn sử dụng loa nghe nhạc để ghép với amply Karaoke sẽ dễ khiến loa nhanh hỏng, không tuyền tải được âm thanh chất lượng.
Bảng so sánh mô hình thiết bị phối ghếp sẽ cho bạn thấy sự khác biệt cụ thể như sau:
Thiết bị phối ghép |
Loa Karaoke |
Loa nghe nhạc |
Nguồn phát |
Đầu Karaoke vi tính hoặc đầu DVD |
Đầu CD hoặc DAC |
Amply |
Amply đa kênh |
Amply nghe nhạc (stereo) |
Loa |
Loa Karaoke |
Loa nghe nhạc |
Các thiết bị cần thiết khác |
Micro chất lượng tốt |
Dây tín hiệu và nguồn chất lượng tốt |
MÔ HÌNH PHỐI GHÉP THIẾT BỊ CHO LOA KARAOKE
Khác biệt 2: Về thiết kế kiểu dáng của loa
Xét về mặt hình thức, người chơi loa cũng có thể phân biệt rõ loa Karaoke và loa nghe nhạc.
Sự khác biệt về kiểu dáng giữa các dòng loa là do tùy vào mục đích sử dụng khác nhau và cách bố trí thiết bị khi sử dụng mà nhà sản xuất đã cho ra đời những kiểu dáng thích hợp nhất. Xét về loa Karaoke, nhà sản xuất thường sử dụng kiểu dáng nằm ngang cho các dòng loa này.Kiểu dáng nằm ngang chính là giải pháp tối ưu cho việc treo tường và trưng bày các thiết bị trong phòng Karaoke.
LOA RKB CF-12 PRO SẢN XUẤT THEO CÔNG NGHỆ ĐỨC
Còn loa nghe nhạc thường dáng dọc, để đặt trên kệ đứng sao cho củ loa ngang với độ cao người ngồi nghe. Song theo đó, thiết kế theo dáng dọc còn có tác dụng tạo mỹ quan đẹp mắt hơn trong việc trang trí nội thất.
Mặt khác, loa Karaoke được chế tạo thiên về công suất lớn, đáp ứng đột biến nhanh. Còn loa nghe nhạc thiên về sự tinh tế, trung thực.
Khác biệt 3: Về cấu tạo của loa
Về mặt cấu tạo, loa Karaoke thường tập trung vào phần mid-range để tái tạo trung âm - giọng hát cho rõ ràng, mạch lạc. Loa chuyên dụng được bố trí cầu chì để giảm thiểu khả năng cháy driver, bởi tần suất và công suất hoạt động của loa Karaoke là rất lớn, nhất là trong hệ thống nhà hàng, quán bar.Tiêu chí đầu tiên của loa Karaoke về mặt âm thanh phải kể đến là to, rõ, và bền.
Trong khi đó, loa nghe nhạc thường được xử lý cân bằng cả 3 dải để đáp ứng nhiều gout thưởng thức nhạc khác nhau. Không được thiết kế để chịu công suất quá lớn, nhưng loa nghe nhạc lại được ưu ái sử dụng những linh kiện chọn lọc với độ tinh khiết cao, nhằm đảm bảo độ trung thực, tự nhiên của âm thanh tái tạo. Nếu so với loa Karaoke, âm thanh của loa nghe nhạc "hiền" hơn, nhẹ nhàng và tinh tế hơn.
Khác biệt 4: Về âm thanh loa
Đây chính sự khác biệt quan trọng nhất cho thấy chúng ta không nên dùng loa nghe nhạc để hát Karaoke và ngược lại. Các dòng loa được dựa trên mục đích sử dụng khác nhau mà thiết kế nên cấu tạo của loa cũng khác nhau, chính vì vậy cũng sẽ cho ra những âm thanh hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể như nếu hát Karaoke bằng loa nghe nhạc, chúng ta sẽ có cảm giác hụt hơi vì giọng hát không nổi rõ và vang vọng như khi hát bằng loa Karaoke chuyên dụng. Còn loa Karaoke nếu dùng để nghe nhạc thì chỉ hợp với những loại nhạc phổ thông, nhạc đại chúng như nhạc dance, nhạc trẻ (thị trường) với nhiều hiệu ứng âm thanh ở dải cao và dải trầm, khó có thẻ cảm nhận được sự tinh tế, độ chi tiết, độ động như trên loa nghe nhạc.
ÂM THANH CỦA LOA KARAOKE VÀ LOA NGHE NHẠC HOÀN TOÀN KHÁC NHAU
Bên cạnh đó, khi chúng ta phối ghép các thiết bị không đúng với loa sẽ gây ra những thiệt hại đáng tiếc như:
- Sử dụng loa nghe nhạc để ghép với ampli Karaoke: dễ khiến loa nhanh hỏng, và kết quả đạt được cũng không ấn tượng.
- Sử dụng đầu CD thông thường để hát Karaoke: không làm tăng đáng kể chất lượng âm thanh, nhưng chắc chắn không hiển thị được lời trên màn hình TV, như vậy hát Karaoke sẽ khó hơn.
Nói tóm lại, mỗi loại loa đều có những tính năng riêng, tùy theo nhu cầu của người dùng. Điều quan trọng là bạn cần xác định được mục đích của bản thân để lựa chọn dòng loa phù hợp nhất. Như vậy, với những bộ dàn 2 trong một vừa nghe nhạc, vừa hát Karaoke, người nghe buộc phải chấp nhận đánh đổi lấy một trong hai tính năng chứ không thể đòi hỏi một giải pháp toàn vẹn.