Thuật ngữ âm thanh là gì? Làm sao để các dân chơi âm thanh có thể phân biệt được các thông số kỹ thuật từng loại thiết bị âm thanh khác nhau. Một số thuật ngữ Audio phổ biến này sẽ giúp bạn hiểu chính xác những gì nhà sản xuất loa, thiết bị âm thanh cung cấp trong các bảng thông số kỹ thuật. Để tiện cho việc chọn mua thiết bị âm thanh, hôm nay ANA sẽ chia sẻ đến bạn bài viết Tìm hiểu một số thuật ngữ Audio phổ biến trên loa.
Các thiết bị âm thanh nói chung và loa nói riêng được sử dụng trong các dàn âm thanh đều có xuất xứ nước ngoài, và tất cả những mô tả về kỹ thuật, các thành phần cấu tạo của loa thường được ghi chú bằng tiếng Anh, với một số thuật ngữ Audio phổ biến được xem như quy ước chuẩn trên toàn thế giới.
Một số thuật ngữ Audio phổ biến thường được sử dụng trên loa có thể kể đến như:
Driver: Củ loa/loa con, thuật ngữ này miêu tả toàn bộ củ loa rời, có thể là các loại loa bass, loa trung hoặc loa treble, các loa con…
Cone: Thuật ngữ Cone trong các bảng miêu tả loa rời nghĩa là thành phần nón loa, là các loại màng dạng nón được gắn với cuộn dây để tạo sóng dao động trong không khí giúp đôi tai người nghe cảm nhận được âm thanh.
Diaphragm: Màng rung phía trong củ loa, được điều khiển bởi cuộn dây của loa. Màng rung thường có hình dạng nón hay vòm tùy theo loại loa.
Dome: Miêu tả các loại loa treble dạng dome, chuyên trình diễn các dải tần cao với màng rung dạng vòm.
Dual concentric: Đây là thuật ngữ miêu tả các loại loa đồng trục, nghĩa là đặt loa treble vào họng loa bass, để âm thanh phát ra từ cùng một nguồn âm trong không gian. Đây là công nghệ chế tạo loa rất nổi tiếng, được sáng chế bởi thương hiệu loa Tannoy nổi tiếng của Anh Quốc và được sử dụng phổ biến hiện nay.
Frame: Khung sườn của củ loa rời, với chức năng chính là gắn các thành phần của củ loa lại với nhau. Chất liệu làm khung sườn thường là nhôm, sắt, một số loại loa rẻ tiền thì thường làm khung sườn loa bằng nhựa để giảm giá thành.
Voice coil: Cuộn dây đồng của loa, là thành phần quan trọng nhất của loa, nó được đặt trong vùng có từ trường mạnh của nam châm, đóng nhiệm vụ biến đổi điện năng thành cơ năng. Đây là thành phần rất quan trọng của các loại củ loa.
Crossover: Mạch phân tần của loa, thường được đặt trong các thùng loa, giúp phân chia tần số cụ thể cho từng loa con riêng biệt trong hệ thống loa. Đây là thành phần cực kỳ quan trọng mà bạn cần quan tâm nếu như muốn sử dụng các loại củ loa rời ráp thùng. Nếu không có các loại crossover chia tần số, củ loa của bạn sẽ phải “trình diễn” toàn bộ dải tần qua nó, không mang lại hiệu quả về mặt âm thanh lẫn độ bền cho loa.
Crossover Frequency: Mô tả tần số cắt, quy định tần số âm thanh mà hệ thống mạch phân tần đưa vào các loại loa con. Các tín hiệu âm thanh trong khoảng tần số này sẽ được cho phép “đi vào” loa con.
Dolby Digital: Là phương pháp của phòng thí nghiệm Dolby trong việc mã hoá và giải mã các kênh âm thanh trong xem phim và nghe nhạc.
DAC (Digital Analog Converter): Thuật ngữ này nói về bộ chuyển đổi tín hiệu từ tín hiệu số, tín hiệu điện tử (digital) thành tín hiệu analog. Các loại Amply thường chỉ nhận tín hiệu Analog, trong khi đó các tập tin nhạc số thường được lưu trữ dưới tín hiệu điện tử, và DAC có nhiệm vụ chuyển đổi để Amply có thể nhận tín hiệu.
DSP (Digital signal processor): Thiết bị xử lý tín hiệu số, đây là loại thiết bị rất phổ biến hiện nay trong các dàn âm thanh, được tích hợp rất nhiều công năng như : chia tần số cho loa (tương tự crossover), canh trễ tín hiệu (delay), giới hạn tần số (limiter)…. các dàn âm thanh chuyên nghiệp dùng để trình diễn hiện nay thường không thể thiếu các thiết bị này.
Distortion: Thuật ngữ này nhắc đến độ méo của tín hiệu âm thanh, đề cập đến bất kỳ một yếu tố nào làm biến đổi tín hiệu đầu vào gốc. Lưu ý: Độ méo tín hiệu khác với sự thay đổi về độ lớn tín hiệu.